Vài năm trước, tôi quen một người bạn bằng tuổi. Lâu lâu cậu ấy lại gửi cho tôi ảnh cánh tay bạn đầy sẹo - dấu tích của những vết rạch ...
Vài
năm trước, tôi quen một người bạn bằng tuổi. Lâu lâu cậu ấy lại gửi cho tôi ảnh
cánh tay bạn đầy sẹo - dấu tích của những vết rạch mỏng bằng dao lam. “Cách này
khiến tôi bớt đau”, Bạn nhắn tin.
Vì sợ,
tôi đọc về những trường hợp hành động như cậu ấy. Ngoài những hình ảnh khoe
trên mạng của những người bông đùa chuyện này, tôi thực sự tin bạn đang đối mặt
với một điều quá sức chịu đựng. Cho đến một lúc, cậu ấy ngưng làm đau cơ thể
mình và hình như đã bình tĩnh. Tôi không biết cậu đã vượt qua chuyện đó thế
nào...
Một lần
đi xa cùng tôi, cậu kể: Nhà cậu chỉ có ba người, ngoài cậu ấy là cha và mẹ. Mẹ
thường dùng lời lẽ nặng nề để nói về cha khi ông không có mặt. “Tớ có đủ mọi
tính từ để kể cậu nghe vì mẹ đã dùng tất cả để nói với tớ.”, cậu ấy nói. Việc
đó thường xuyên diễn ra từ lúc cậu ấy học cấp hai.
Cậu
hút tất cả những lời của mẹ vào cơ thể như một miếng bọt biển. Cậu ấy không bao
giờ nói lại với cha. Cậu ấy phải cố gắng bẻ lái tâm trí của mình mỗi khi cha về.
Cha không bao giờ làm gì sai với riêng cậu ấy, cậu ấy phải cân đối giữa những
điều mẹ nói với những việc cha thể hiện, đồng thời không được phun những lời mẹ
đã nói về phía cha.
Một đứa
con hóa thành bọt biển. Có lúc cậu ấy đã quên mất gương mặt của mẹ vì không bao
giờ nhìn thẳng vào bà khi nghe bà nói về cha. Sự bối rối của miếng bọt biển lớn
dần và cậu ấy cần gỡ những ngôn từ đó khỏi cơ thể. Cậu ấy dùng dao lam rạch tay
mình lần đầu năm mười chín tuổi, không thấy đau, chỉ thấy cơ thể mình nhẹ nhõm
hơn khi có một vết đau khác cần quan tâm hơn là lời của mẹ - trong ứng chiếu với
cha. Dần dần, cơ thể cậu ấy đã thích nghi với những vết đau như vậy.
“Tớ
không làm như vậy nữa khi những lời của mẹ không còn là tất cả thế giới của tớ.”
Khi đó, cậu đã xây dựng xong thế giới riêng, với nhiều mối quan hệ, nhiều cuộc
chuyện trò. Cậu an tâm hơn thay vì phải sống với tương quan bọt biển kia. Cậu
đã phải tự xoay sở với nỗi đau của riêng mình và giải quyết nó bằng một giải
pháp khó chịu nhưng không thể làm khác được.
Mỗi đứa
trẻ sẽ tìm ra cách hành xử riêng, dù lệch lạc, khổ sở để vẫy vùng trong quãng
thời gian ngạt thở mà nó phải chịu đựng trước cuộc đời. Ai sẽ bảo vệ được
chúng? Ai sẽ bảo vệ được bạn tôi? Ai sẽ giải thích cho chúng hiểu sự đau đớn là
lạch nước đen chảy ngầm trong thân thể mình, sẽ dâng lên nhấn chìm mọi thứ vào
bóng tối?
Dẫu biết
rằng bất hạnh là một hiện hữu không thể chối từ nhưng rồi người ta có bao nhiêu
can đảm để nhìn thấy nó, đón nhận nó, hay để nó đi qua cơ thể mình với tàn phá
rệu rã rồi ngồi đó xây lại từ đầu những gì đã tan nát? Người ta có bao nhiêu
sáng suốt để biết đó là bất hạnh, chứ không phải sự trá hình của hạnh phúc? Người
ta có bao nhiêu can đảm để chấp nhận mình là người bị thương, chứ không phải ai
kia đang vui vẻ trước mặt mình?
Thầy
giáo tôi kể ông đọc ở đâu đó nói cuộc đời con người sau hai mươi tuổi chỉ là
hành trình đi về phía cái chết. Mọi điều ta làm, khao khát sáng tạo, khao khát
dạy ai điều gì đó, ước mong gieo hạt đều chỉ là biểu hiện ta đang đi về chân trời
của cái chết trong hằng hà sa số những cung đường. Ta chỉ không nhìn thấy nó vì
sương mù và sự sôi nổi của đời sống, nhưng những lập trình bí ẩn của sự sống rồi
sẽ đưa ta vào đúng quỹ đạo đó; dù đi bao nhiêu cung đường và vô số biến động,
con người rồi cũng quay lại chính xác số phận của cái chết bất khả.
Bất hạnh
không phải là một chọn lựa, nhưng can đảm như bạn tôi, ngừng lại việc hủy hoại
thân thể, tự đối thoại và vá víu vết thương rồi tiếp tục cuộc sống của riêng
mình, gần như là một cuộc chiến tàn bạo và dũng cảm...
Bạn đi
một hành trình dài đầy bất định trong bóng tối như một kẻ phiêu mưu mù lòa
không ai chỉ lối, cho đến khi tự tìm được miệng hang hướng ra bầu trời có ánh
sáng của một ngày trong lành bình dị.
Và biết
thêm một ngày được sống trong đời.
Khải Đơn