Đánh giá phim: Predestination 2014
Nghịch lý tiền định chỉ
sự nghịch lý trong du hành thời gian, tác động vào dòng thời gian làm biến đổi
cả quá khứ và tương lai. Cái nghịch lý xảy ra khi sự việc đi về quá khứ lại
thành cái nguyên nhân của sự việc đã xảy ra, tạo thành một vòng lặp vô hạn tuần
hoàn.
Ví dụ cho dễ hiểu, để
cứu mẹ mình khỏi bị xe tông chết, nhân vật chính quay về quá khứ, nhưng thực tế,
nhân vật chính trong lúc lái xe vội vàng đến nơi đã tông chết mẹ mình trong quá
khứ khi trở về từ tương lai. Một ví dụ khác là nhân vật Flash của DC Comic,
nhân vật này chạy rất nhanh nên có thể … chạy về quá khứ luôn. Flash trong lúc
cứu Iris West không bị Reverse Flash giết trong quá khứ đã quay về và "tạt
ngang" qua phòng thí nghiệm của ... Barry Allen (chính là Flash) lúc đó và
tạo thành "tia sét" Speedforce để Barry Allen trở thành Flash, đến
đây câu hỏi đặt ra là cái gì đã bắt đầu tạo nên Flash, đó là nghịch lý tiền định.
Trong phim
Predestination, vòng lặp thời gian rối hơn một chút với khoảng 3 - 4 vòng lặp
giao nhau, tạo sự khó hiểu bằng chính cái nghịch lý tiền định phi logic. Đối với
những ai mới lần đầu tiếp cận chủ đề khoa học này, xem Predestination sẽ cảm thấy
nổ não vì dòng thời gian chuyển nhanh và dồn dập, cộng với cái phi lý của nghịch
lý tiền định thì sẽ khiến ta có cảm giác thứ gì đó thật cao siêu, quái đản.
Với cách dẫn dắt câu
chuyện kiểu ru ngủ nhưng cuốn hút ở 2/3 phim, tập trung vào cuộc đời của “cô
gái” bất hạnh. Rồi sau đó đột nhiên tiến nhanh với bước chuyển thời gian kỳ lạ,
mở ra các nút thắt ào ạt, khiến khán giả vừa phải bắt kịp câu chuyện, vừa phải
“tính” thời gian thực tế và các “bước nhảy” để liên kết sự kiện, xem cái nào ảnh
hưởng đến cái nào. Đó chính là thủ pháp rất thành công của đạo diễn và tạo được
sự phấn khích suy nghĩ bàn luận, giải thích sau khi xem xong phim.
Thực tế khi đã bắt đầu
bằng một thứ phi logic như nghịch lý thời gian thì chẳng bao giờ có cái kết hợp
lý được, nó như con rắn tự cắn đuôi của mình thôi. Nên trong bài viết này không
có ý định giải thích chuyện đã xảy ra trong phim nó bắt đầu chỗ nào và kết thúc
chỗ nào, nó giống như những bộ phim du hành thời gian khác như Back to Future,
Terminator, Loopers, The Buttefly Effect … không thể thoát được nghịch lý tiền
định. Mà cái muốn nói đến là khía cạnh tình cảm trong phim.
Không giống như
Loopers, đơn thuần là chuyện về một sát thủ đi giết mình trong trong tương lai,
Ternimator là việc quay về quá khứ ngăn chặn thảm họa, nó ít có tính tình cảm
day dứt trong đó. Predestination kể một câu chuyện định mệnh đáng thương, về sự
cô đơn trăm năm trong một vòng lặp vô tận. Có cảm tưởng như cái vòng lặp thời
gian kia chính là cụ thể hóa của sự cô đơn khủng khiếp không có điểm dừng,
không có điểm đầu hay điểm cuối.
Cô gái trong phim bắt
đầu bằng sự khác thường, bằng nhân sinh quan quái lạ trong tình yêu. Không yêu
ai, không biết làm sao để yêu, không biết là có thể yêu không. Để rồi kết cuộc
là lại yêu chính mình, hận chính mình, chỉ có thể yêu được mình, không thể yêu
ai khác. Đó là cái bi kịch, đó là tự mình tạo ra cái vòng lẩn quẩn cho chính bản
thân mình, không thể thoát ra được.
Ethan Hawke và Sarah
Snook thể hiện “hai” nhân vật chính trong câu chuyện “trăm năm cô đơn” lẩn quẩn
trong phim. Có thể nói phim thành công phần lớn nhờ sự diễn xuất của hai diễn
viên thực lực này, nhất là màn đối thoại dẫn dắt trong quán bar, rất đơn giản
nhưng lại cực kỳ cuốn hút.
Predestination còn đặt
ra một vấn đề là đạo đức và công lý, cái nhỏ và cái lớn, ranh giới đúng và sai.
Giết 100 người để cứu 1 ngàn, 1 triệu người là đúng hay sai? Ai có thể cho phép
mình quyết định và thực hiện điều đó. Những người phải chết để cứu những người
khác có hợp lý không, tại sao 100 người kia phải chết, 100 người phải chết có đồng
ý với chuyện đó không?
Giống như The Buttefly
Effect, Predestination trong câu chuyện rối rắm về thời gian lại truyền đi một
thông điệp đầy cảm xúc về thân phận, định mệnh của một con người. Nó dấy lên
câu hỏi ta bắt đầu từ đâu và phải kết thúc như thế nào, hay lại chui vào vòng lẩn
quẩn bất lực không thể thoát ra như bi kịch của nhân vật trong phim.
Bui An